Thứ Năm, 24 tháng 9, 2015

Tìm hiểu về tết trung thu


Tết Trung Thu có nguồn gốc từ Trung Quốc (Từ thời đời Đường), là ngày lễ truyền thống của dân tộc Đông Á. Tết này không chỉ là ngày lễ của người Trung Hoa, mà còn là của những quốc gia chịu ảnh hưởng của Trung Quốc như Nhật, Hàn Quốc, Việt Nam... Theo lịch sử Trung Quốc, tháng 8 âm lịch là tháng thứ hai của mùa Thu, người xưa gọi là "Trọng thu", vì thế dân gian gọi là Trung thu hay là lễ tháng 8, lễ giữa tháng 8, lễ trăng

Bánh trung thu

Trong dịp Tết Trung thu, người ta thường dùng hai loại bánh là bánh nướng và bánh dẻo. Hai loại này đều là bánh ngọt thường có dạng hình tròn (đường kính khoảng 10 cm) hay hình vuông (chiều dài cạnh khoảng 7-8 cm), dày khoảng 4-5 cm, không loại trừ các kích cỡ to hơn, thậm chí khổng lồ. Ngoài ra, bánh còn có nhiều kiểu dáng khác nhưng phổ biến hơn là kiểu lợn mẹ với đàn con, cá...

Đồ chơi trung thu

Mặt nạ và đèn ông sao là hai loại đồ chơi phổ biến nhất trong dịp lễ tết Trung thu. Trước đây ở miền Bắc, khi còn trong thời kỳ bao cấp (1976 - 1986), các đồ chơi cho trẻ em vào dịp tết Trung thu rất hiếm, phần lớn các gia đình thường tự làm lấy đồ chơi như trống bỏi, đèn ông sư, đèn ông sao, đèn kéo quân, mặt nạ, tò he, chong chóng... cho trẻ em trong gia đình. Các loại mặt nạ thường được làm bằng bìa hoặc bằng giấy bồi, với các hình phổ biến về các nhân vật trẻ em yêu thích bấy giờ như : đầu sư tử, ông Địa, Tôn Ngộ Không, Trư Bát Giới, Bạch Cốt Tinh... Ngày nay, phần lớn đồ chơi ở Việt Nam có xuất xứ từ Trung Quốc, các loại mặt nạ được làm bằng nhựa mỏng, không đẹp bằng mặt nạ thời trước.

Trò chơi đêm trung thu

Múa lân (ở miền Bắc thường gọi là múa sư tử mặc dù sư tử thì không có sừng) thường được tổ chức vào trước tết Trung thu nhưng nhộn nhịp nhất là hai đêm 14 và 15.
Trong ngày tết Trung thu, người ta bày cỗ với bánh trái hình mặt trăng, treo đèn kết hoa, nhảy múa ca hát, múa lân rất tưng bừng. Nhiều nơi có những cuộc thi cỗ, thi làm bánh của các bà các cô. Trẻ em có những cuộc rước đèn và mở cuộc thi đèn. Nhiều gia đình bày cỗ riêng cho trẻ em và trong mâm cỗ xưa thường có ông tiến sĩ giấy đặt ở nơi cao đẹp nhất, xung quanh là bánh trái hoa quả. Sau khi chơi cỗ trông trăng, các em cùng nhau phá cỗ, tức là ăn mâm cỗ lúc đã khuya.

Chú cuội đêm trăng Rằm

Chú Cuội, theo truyện cổ tích Việt vì níu giữ cây Đa trường có phép cải tử hoàn sinh, nên đã bị kéo lên mặt trăng

Hằng nga sống ở đâu

Quảng Hàn là tên cung điện mà "chị Hằng" tức Hằng Nga sinh sống trên mặt trăng theo truyền thuyết Trung Hoa cổ.
Theo dân gian, cùng sống với Hằng Nga và chú Cuội trên cung trăng là thỏ ngọc. Truyền thuyết về thỏ ngọc là câu chuyện cao đẹp và cảm động. Thời đó nhiều năm mùa màng thất bát, người và vật ăn thịt nhau để tranh giành sự sống. Thỏ là loài vật yếu đuối không đi được xa để kiếm ăn đành rủ nhau quay quanh bên đống lửa để chống chọi với đói và rét. Trước cảnh khổ ải, khó khăn như vậy, một con thỏ đã nhảy vào đống lửa, thui mình làm thức ăn cho đồng loại của mình, mong tồn tại giống nòi. Khi đó Tây Vương Mẫu đi qua, thương cảm vì nghĩa khí của con vật, người đã nhặt đám xương tàn của con thỏ đó, phù phép cho nó thành hình hài bằng ngọc và được trường sinh bất tử trên cung trăng.